Sáng 21/9, Ban chỉ đạo công tác ATTP huyện tổ chức Lễ ra quân và ký cam kết chuyên đề " Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức" năm 2024 tại trường THCS Đức Giang.
Tới dự có đồng chí Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; Đồng chí Nguyễn Trung Thuận - Uỷ viên BTV, Phó chủ tịch UBND huyện- Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện; Lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác An toàn thực phẩm các đơn vị: phòng Y tế, phòng Giáo dục & Đào tạo, phòng Kinh tế huyện; Các đồng chí Chủ tịch UBND xã, Trạm trưởng Trạm Y tế, Hiệu trưởng nhân viên Y tế các trường học các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Tại Lễ ra quân, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Phòng Y tế huyện triển khai kế hoạch 276 của UBND huyện về chuyên đề "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức. Hiện nay trên địa bàn huyện hiện có 106 trường học (gồm 81 trường công lập và 20 trường ngoài công lập từ cấp mầm non đến THCS, 4 trường THPT, 1 Trung tâm GDNN-GDTX huyện) và 122 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ngoài công lập với tổng số hơn 7,6 vạn học sinh trong đó có 204 đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể. Hệ thống bếp ăn tập thể của các trường công lập có tổ chức ăn bán trú đều được bố trí trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đáp ứng cung cấp suất ăn cho gần 50.000 học sinh. 100% các cơ sở giáo dục đều ký cam kết/cấp giấy chứng nhận ATTP. 100% giáo viên, nhân viên bếp, cô nuôi và giáo viên đều được tập huấn kiến thức ATTP và khám sức khoẻ định kỳ. 100% Ban giám hiệu các trường thường xuyên tổ chức giám sát định kỳ và có sự tham gia của hội cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, hiện nay ngày càng nhiều loại thực phẩm trong đó có thực phẩm không rõ nguồn gốc, thời hạn sử dụng, khó kiểm soát được các hàng ăn, hàng rong bày bán tràn nan tại khu vực các cổng trường học làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho học sinh khi sử dụng; các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hoá chất bảo quản... có thể len lỏi vào trong các bếp ăn tập thể bất cứ lúc nào nếu không được quản lý, kiểm soát tốt. Ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã xảy ra những trường hợp học sinh ngộ độc do ăn uống thực phẩm không đảm bảo.
Xác định được tầm quan trọng của vấn đề ATTP, những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đảm bảo chất lượng VSATTP. Công tác quản lý và hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn. Hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP tại các địa phương, trong đó có huyện Hoài Đức được tăng cường và thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo đảm ATTP trong và xung quanh cổng trường học được đổi mới, tăng cường. Toàn huyện đã có nhiều tin bài phản ánh về thực trạng, cách nhận biết thực phẩm an toàn... góp phần tích cực tạo sự chuyển biến về nhận thức, giúp học sinh và phụ huynh học sinh sử dụng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP trong và xung quanh trường học còn nhiều khó khăn, thách thức, là việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ và lâu dài.
Để đảm bảo công tác quản lý an toàn thưc phẩm trong và xung quanh công trường học trên địa bàn huyện trong thời gian tới đồng chí Nguyễn Trung Thuận, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, nhằm bảo đảm sức khỏe an toàn cho học sinh, các trường học trên địa bàn huyện khi tổ chức bữa ăn học đường cần tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm. Đồng thời, các Nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, yêu cầu cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học. Các đơn vị cung ứng thực phẩm được lựa chọn thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho các trường học.
Các trường học tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Tiếp tục duy trì sự phối hợp giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn bán trú. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện giao cho UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm đảm bảo ATTP, xử lý dứt điểm các điểm bán hàng lưu động, quầy bán hàng rong các khu vực xung quanh cổng trường học gây mất ATTP.
Tại buổi lễ phát động, đại diện UBND của 20 xã, thị trấn và Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức đã đồng loạt thực hiện ký cam kết hưởng ứng thực hiện chuyên đề "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức năm 2024".