Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0 trong giáo dục đang tới rất nhanh, buộc những người làm công tác giáo dục phải phát triển và theo kịp, chủ động đón nhận. Nắm bắt xu thế đó, các trường học trên địa bàn huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. Theo đánh giá của ngành Giáo dục huyện, hiện nay, đã có 54 trường Tiểu học, THCS chuyển đổi số trong dạy và học. Trong đó, có 9 đơn vị đạt mức 3, 45 đạt mức 2. Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục có 49 đơn vị đạt mức độ 2 và 5 đơn vị đạt mức độ 3.
Thực hiện thí điểm triển khai học bạ số cấp Tiểu học, phòng Giáo dục và Đào tạo đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể tới từng thành viên trong Ban chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời hỗ trợ các trường trong quá trình triển khai thực hiện. Kết quả: huyện đạt 99,99%, đứng thứ 2 toàn thành phố. Tập thể Phòng Giáo dục và Đào tạo và đồng chí Trưởng phòng được UBND thành phố tặng Bằng khen trong chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học.
Thường xuyên tập huấn về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện cũng chủ động tổ chức tốt Ngày hội Văn hóa, Thể thao, công nghệ thông tin và Stem-Steam cấp huyện với sự tham gia của 100% các trường. 20 gian hàng trưng bày công nghệ thông tin với nhiều sản phẩm thể hiện ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, sản phẩm STEM, STEAM của các nhà trường. Tham dự ngày hội công nghệ thông tin cấp thành phố, huyện được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen có thành tích tốt trong tổ chức cấp huyện và giải Ba gian trưng bày cấp thành phố. Tham dự cuộc thi kỹ năng công nghệ thông tin giáo viên, nhân viên cấp thành phố, huyện có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải ba và 6 giải Khuyến khích.
Năm học 2024-2025, Phòng tiếp tục triển khai Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" và Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025"; tiếp tục triển khai mở rộng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội, kết nối với các cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao tiện ích và hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông, liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai học bạ số, xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ hướng đến văn bằng số, chứng chỉ số.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy các tiết học
Tăng cường các điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quản trị, dạy, học và nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kiểm tra, đánh giá trong giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục đi cùng với phát triển các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường học tập số; nâng cao năng lực số cho người học và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục triển khai hệ thống thư viện số toàn ngành; khai thác hiệu quả kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành và ngân hàng câu hỏi trực tuyến.
Để thực hiện mục tiêu, Ngành Giáo dục Hoài Đức triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm: Chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra đánh giá theo Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/03/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Chuyển đổi số trong quản trị các cơ sở giáo dục và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục với hệ sinh thái quản trị Ngành và các nhà trường. Tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục, trong đó ưu tiên một số dịch vụ. Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Tăng cường đầu tư hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin và dạy môn tin học một cách hiệu quả và thiết thực.
Công nghệ thông tin đang dần trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động dạy học, tạo tư duy giảng dạy, học tập hiệu quả song hành với việc giảng dạy truyền thống. Việc cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên sử dụng công nghệ, làm chủ công nghệ sẽ tạo động lực thúc đẩy quá trình đổi mới đối với ngành giáo dục trong yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới những công dân số.