Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội làm việc với UBND huyện Hoài Đức để đánh giá hiện trạng làng nghề và thống nhất các nội dung hoàn thiện tiêu chí đề nghị hội đồng thủ công xem xét công nhận làng nghề điêu khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới
Theo Ngọc phả Thần tích, Đền thờ Đức thánh Đào Trực (tổ nghề được thờ tại Đền Thượng, xã Sơn Đồng) do Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính Phụng soạn thảo năm Nhâm Thân 1572 truyền rằng: vào năm Thái Bình thứ 6 (Năm Bính Tý 976) triều Tiền Lê (Vua Lê Đại Hành), Đức thánh Đào Trực sinh ngày 16 tháng 7 năm Nhâm Tuất (ngày 18/8/962), mất ngày 15 tháng 11 năm Bính Tuất (ngày 18/12/986). Người mở lớp dạy học, truyền nghề cho dân làng, dựng đền, chùa, dạy nhân dân làm hoành phi, câu đối, đục tượng, sơn son thếp vàng. Người còn có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống lần thứ nhất (năm 980-981). Khi Người mất, dân làng và các nghệ nhân Sơn Đồng lập miếu, tạc tượng thờ Người để tri ân công đức của vị Nghệ Sư Tổ của làng nghề Sơn Đồng có công với Bản trang Sơn Đồng (Giáo dân phục nghệ).
Đại diện lãnh đạo xã Sơn Đồng trình bay về các tiêu chí của làng nghề
Quy mô làng nghề xã Sơn Đồng hiện nay có tổng dân số: 10.988 người. Số lượng người làm nghề là trên 4.000 lao động tại chỗ với gần 700 hộ gia đình và 10 công ty chuyên sản xuất sản phẩm làng nghề, đồng thời thu hút thường xuyên hàng nghìn lao động ngoài xã tham gia. Sản phẩm của Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị phần toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, bạc phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều người thợ Sơn Đồng còn làm những sản phẩm mỹ nghệ để xuất khấu.
Các ý kiến tham luận tại hội nghị
Sản phẩm làng nghề xã Sơn Đồng đang có mặt trên cả nước từ Nam ra Bắc, từ đất liền đến hải đảo, sang cả Châu Âu, Châu Mỹ (tại các nước Nga, Ucraina, Pháp, Mỹ và các nước Đông Nam Á: Thái Lan, Lào, Campuchia). Thu nhập bình quân đầu người của lao động làng nghề năm 2024 đạt 138 triệu/người/năm. Năm 2007 sách kỷ lục Việt Nam đã ghi danh Sơn Đồng là "Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam. Đảng uỷ, HĐND, UBND xã chỉ đạo Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Sơn đồng triển khai mở các lớp truyền dạy nghề để phục dựng lại nghề truyền thống và tới năm 2002 UBND xã Sơn Đồng đã quyết định thành lập Hội làng nghề xã ban đầu với 51 hội viên tham gia đến nay đã có gần 500 hội viên chính thức và hội viên trực thuộc lên đến hàng nghìn ngưởi.
Đồng chí Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội phát biểu kết luận hội nghị
Đoàn chuyên gia đã đánh giá các tiêu chí theo khung chuẩn của UNESCO (thuộc lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật Dân gian). Đoàn cũng góp ý các nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện trong hồ sơ đề nghị công nhận và đề xuất giải pháp phát huy sáng tạo trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề. Bổ sung số liệu, hình ảnh, dẫn chứng minh họa. Xác định rõ lộ trình trình hồ sơ lên Hội đồng Thủ công và Nghệ thuật Dân gian xét duyệt.
Đồng chí Nguyễn Anh - Uỷ viên BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tiếp thu ý kiến của lãnh đạo sở
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Nguyễn Anh - Uỷ viên BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: UBND huyện sẽ cam kết đồng hành, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, nghệ nhân và cộng đồng làng nghề Sơn Đồng để hoàn thiện hồ sơ đạt chuẩn, từng bước đưa làng nghề trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các Thành phố Thủ công và Sáng tạo trên toàn thế giới (UNESCO Creative Cities Network).