Đây là kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết toán thu, chi ngân sách huyện Hoài Đức năm 2024, điều chỉnh, bổ sung dự toán thu, chi ngân sách huyện năm 2025 và thông qua chủ trương thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện Hoài Đức. Dự Kỳ họp có đồng chí Nguyễn Trúc Anh-Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; đồng chí Nguyễn Hoàng Trường-Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, các ngành, đoàn thể huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn.
Ông Trần Văn Nghĩa-Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức khai mạc Kỳ họp
Khai mạc Kỳ họp, ông Trần Văn Nghĩa-Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh: để đảm bảo chất lượng, tiến độ việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện theo đúng yêu cầu của Thành uỷ, Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hà Nội; Thường trực HĐND huyện đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thực hiện quyết toán ngân sách năm 2024 theo hướng dẫn của Thành phố. Đây không chỉ là bước cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố mà còn thể hiện rõ quyết tâm chính trị của huyện trong việc tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính cấp xã theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với sự chủ động, đồng bộ, trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Hoài Đức phấn đấu hoàn thành đề án đúng tiến độ, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Nguyễn Trung Thuận-UV BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức thông qua các báo cáo và tờ trình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Theo báo cáo và Tờ trình của UBND huyện trình tại Kỳ họp, về công tác triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện: trong thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Sau khi tiếp nhận phương án sắp xếp đơn vị hành chính của huyện, UBND huyện đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức lấy ý kiến theo đúng quy định. Toàn huyện đã phát ra là 71.780 phiếu lấy ý kiến; số cử tri đại diện hộ gia đình bỏ phiếu là 70.600. Kết quả, có 95,65% số cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Hoài Đức gồm 4 đơn vị hành chính mới; 84,5% số cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với tên gọi theo phương án gồm Hoài Đức, Dương Hòa, Sơn Đồng và An Khánh.
Bà Phạm Thị Nhung-UVTT, Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Hoài Đức thông qua báo cáo thẩm tra các Tờ trình, Báo cáo của UBND huyện về sắp xếp đơn vị hành chính
Theo phương án, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Hoài Đức còn 4 đơn vị hành chính cơ sở gồm là xã Hoài Đức gồm toàn bộ diện tích và dân số của xã Di Trạch, Đức Giang, Đức Thượng; phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Trạm Trôi, Kim Chung và mộ phần diệ tích tự nhiên và dân số của phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) và xã Tân Lập (huyện Đan Phượng). Trụ sở cơ quan hành chính dự kiến đặt tại trụ sở cơ quan hành chính huyện Hoài Đức hiện nay.
Xã Dương Hòa gồm toàn bộ diện tích các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở. Trụ sở cơ quan hành chính dự kiến đặt tại trụ sở cơ quan hành chính xã Yên Sở, Cát Quế và một số trụ sở xã khác hiện nay.
Xã Sơn Đồng gồm toàn bộ diện tích và dân số các xã Sơn Đồng, Lại Yên, Tiền Yên; phần lớn diện tích tự nhiên và dân số xã Song Phương, Vân Canh; một phần diện tích tự nhiên và dân số các xã Vân Côn, An Khánh, An Thượng. Trụ sở cơ quan hành chính dự kiến đặt tại trụ sở các xã Tiền Yên, Lại Yên và một số xã khác hiện nay.
Xã An Khánh gồm toàn bộ diện tích xã Đông La và phần lớn diện tích tự nhiên và dân số các xã Vân Côn, An Thượng, An Khánh, La Phù; một phần diện tích tự nhiên và dân số xã Song Phương (Hoài Đức) và phường Dương Nội (quận Hà Đông). Trụ sở cơ quan hành chính dự kiến đặt tại trụ sở các xã An Khánh, An Thượng và một số xã khác hiện nay.
Ông Nguyễn Anh-UV BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức thông qua các báo cáo và tờ trình về thu-chi ngân sách
Theo báo cáo tổng quyết toán thu-chi ngân sách huyện năm 2024: tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2024 là 2.728.175,4 triệu đồng, đạt 73,5% dự toán, tăng 1,3% so với quyết toán năm 2023. Có 8/11 chỉ tiêu đạt và vượt dự toán. Tổng quyết toán thu ngân sách huyện xã năm 2024 là 4.406.094,2 triệu đồng, đạt 114,1% dự toán thành phố và 81% Nghị quyết HĐND huyện giao, tăng 18,1% so với quyết toán năm 2023. Tổng quyết toán chi ngân sách huyện, xã là 4.356.570 triệu đồng, đạt 117,7% dự toán thành phố giao và 80,1% Nghị quyết HĐND huyện giao, tăng 18,9% so với năm 2023.
Ông Lê Văn Hòa-UVTT, Trưởng ban Kinh tế-xã hội HĐND huyện Hoài Đức thông qua báo cáo thẩm tra các Tờ trình, Báo cáo của UBND huyện về thu, chi ngân sách
Tổng nguồn dự phòng ngân sách huyện tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 19/12/2024 của HĐND huyện là 81.243 triệu đồng. Đã sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2025 là 30.981 triệu đồng. Tổng kết dư ngân sách huyện năm 2024 chuyển sang là 44.266.471.033 đồng. UBND huyện xuất dành 70% để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, số còn lại phân bổ để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 trên địa bàn huyện.
Đại biểu HĐND huyện Hoài Đức biểu quyết thông qua Nghị quyết của Kỳ họp
Đại biểu dự Kỳ họp thứ Mười bảy HĐND huyện Hoài Đức khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thông qua 03 Dự thảo Nghị quyết gồm Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện Hoài Đức; Nghị quyết về việc phê chuẩn tổng quết toán thu-chi ngân sách huyện Hoài Đức năm 2024; phương án phân bổ dự toán thu-chi ngân sách năm 2025 từ nguồn kết dư ngân sách huyện năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Trúc Anh-Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức phát biểu chỉ đạo Kỳ họp
Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Trúc Anh-Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: Kỳ họp này có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn cả nước đang quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng thể chế, cơ cấu, tổ chức bộ máy chính quyền mới trong đó chính quyền cấp cơ sở là chính quyền hai cấp. Biểu dương tinh thần làm việc khẩn trương của HĐND, UBND trong công tác chuẩn bị các điều kiện cho tổ chức Kỳ họp chuyên đề này, đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị HĐND và các ông bà Đại biểu HĐND huyện tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát. UBND huyện bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, các quy định của pháp luật liên quan và hướng dẫn của Thành phố để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo đúng quy định; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; chủ động phương án quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc; bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân. Đặc biệt lưu ý xử lý nghiêm, không để phát sinh các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; tập trung hoàn thành việc quyết toán ngân sách hoàn thành trước khi chuyển giao mô hình hoạt động. Đồng thời, các ông, bà đại biểu HĐND huyện chủ động, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức của mình cũng như tham gia định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương lớn này của Đảng, của Trung ương và Thành phố./.