Theo Luật PCCC quy định: "Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được giải quyết và thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ". Đồng thời, xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH tới người dân là một nội dung then chốt, lâu dài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác PCCC, bởi người dân chính là lực lượng trực tiếp sinh sống, làm việc, và có thể đối mặt với nguy cơ cháy, nổ hàng ngày. Do đó, giai đoạn 2015-2025, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn chú trọng triển khai thực hiện công tác này. Trong đó, tập trung tuyên truyền tại các khu dân cư trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như: khu dân cư tập trung nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; các làng nghề; chung cư; nhà cho thuê trọ;… Tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC&CNCH, kỹ, năng thoát hiểm, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra cho các hộ gia đình có kết hợp kinh doanh, các chủ xưởng sản xuất tư nhân, người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuyên truyền, hướng dẫn cho đông đảo Nhân dân về các quy định PCCC, kiến thức PCCC cơ bản để mỗi người dân tự chủ động biết cách phòng cháy và tích cực tham gia các hoạt động PCCC tại cộng đồng. Đồng thời hàng năm, huyện đều xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng ứng Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy 04/10;…
Huyện đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn về PCCC&CNCH tại cơ sở
Công tác tuyên truyền được huyện tập trung chỉ đạo thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cụ thể, thiết thực đến từng người dân, cơ quan, doanh nghiệp. Từ đó tạo chuyển biến về ý thức, trách nhiệm, trình độ, khả năng PCCC, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho mọi tầng lớp Nhân dân. Qua báo cáo, toàn huyện đã tổ chức được 989 lớp tuyên truyền về PCCC&CNCH với 70.530 người tham gia; In ấn, cấp phát 225.539 tờ rơi, pano, khẩu hiệu, khuyến cáo về PCCC. Tổ địa bàn PCCC&CNCH Hoài Đức tổ chức 1.458 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH, với sự tham gia của 24.111 người, 100% đối tượng tham gia đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện.
Tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH trong trường học
Trong các buổi truyền tuyền, đại biểu và người dân được thông tin, phổ biến các quy định liên quan đến Luật PCCC; các Nghị định của Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an và các văn bản về PCCC&CNCH. Đồng thời, các đồng chí báo cáo viên cũng hướng dẫn các đại biểu phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; phương pháp tự kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH; các phương pháp, biện pháp, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy; cách sử dụng phương tiện hiện có như mặt nạ phòng độc, hệ thống cảnh báo cháy, thang dây, dây tự cứu, bình chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Sau phần lý thuyết, đại biểu và nhân dân được thực hành phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, hộ gia đình kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy hiểm cháy nổ cao. Đặc biệt, không chỉ tuyên truyền kiến thức về PCCC&CNCH mà tại các Hội nghị này, Công ty điện lực Hoài Đức cũng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ cơ sở cho thuê trọ được thực hành kỹ năng dập tắt đám cháy
Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát PCCC &CNCH địa bàn Hoài Đức cũng đã chủ động phối hợp tốt với các cơ báo chí Thành phố và huyện biên tập, đăng tải 440 tin, bài, phóng sự về PCCC&CNCH.
Từ việc chủ động đổi mới, làm phong phú nội dung, hình thức, phối hợp có hiệu quả với các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền về PCCC đã tạo chuyển biến tích cực của người dân nâng cao kiến thức về PCCC, các quy định của pháp luật về PCCC, cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, cách thoát nạn, cứu người và xử lý ban đầu khi có cháy, nổ xảy ra; nắm được các phương pháp, biện pháp tự kiểm tra an toàn PCCC, việc bảo đảm an toàn cháy, nổ trong sử dụng điện tại gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn huyện thành lập được 131 đội PCCC dân phòng, với 1.339 đội viên; 4.293 đội PCCC cơ sở, với 10.515 đội viên; lực lượng nòng cốt là người dân trực tiếp tham gia hoạt động PCCC tại nơi cư trú, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,…
Có thể nhận thấy, tuyên truyền PCCC là cách thức thiết thực nhất để đưa kiến thức vào đời sống hằng ngày, biến nhận thức thành hành động, giúp mỗi người dân trở thành "người lính PSCCC tại chỗ", hình thành một "mạng lưới PCCC tự quản", góp phần lan toả ý thức PCCC, xây dựng xã hội an toàn, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ một cách bền vững.