Vụ xuân năm 2025, toàn huyện Hoài Đức tiến hành gieo trồng 1.815,03ha. Trong đó, diện tích lúa 647,96ha; diện tích ngô 141ha; diện tích rau các loại 632,65ha; đậu đỗ các loại 8ha; hoa các loại 334,31ha; cây khác 51,11ha. Theo rà soát, có 3,2ha diện tích gieo trồng bị chuột hại ở mức độ nhẹ.
Tình trạng chuột cắn phá diễn ra khá phổ biến ở một số cánh đồng lúa, cây màu tại các địa phương; đặc biệt là khu vực ven làng, ven đê, ven các trục đường, các khu, cụm công nghiệp. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện nay sự gia tăng mạnh mẽ của chuột chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đồng thời việc canh tác đa dạng và luân canh gối vụ liên tục cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sôi phát triển. Đặc biệt sự suy giảm của các loài thiên địch như rắn, mèo, chim cú mèo... cũng góp phần gia tăng tình trạng này. Công tác phòng, chống, diệt chuột chưa được tổ chức quy mô và toàn diện; nhiều địa phương ký hợp đồng diệt chuột với các công ty, tuy nhiên do đồng ruộng xen kẹt, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong đợi. Đặc biệt, dù đã được ngành chức năng, chính quyền các địa phương khuyến cáo song ở một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân sử dụng điện để diệt chuột. Để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu vụ xuân, huyện đã thực hiện chiến dịch diệt chuột được với quy mô trên toàn bộ diện tích sản xuất và đồng loạt ở các xã, thị trấn.
Ra quân diệt chuột đồng loạt bảo vệ vụ xuân
Để đảm bảo công tác diệt chuột đạt hiệu quả, huyện đã thành lập ban chỉ đạo diệt chuột với 14 thành viên. Các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo với 133 thành viên và các nhóm nòng cốt với 147 thành viên. Cùng với đó, huy động 1.908 người dân tham gia. Các xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Đôn đốc nông dân vệ sinh đồng ruộng, bắt chuột bằng biện pháp thủ công không để chuột trú ngụ, làm tổ, các địa phương tổ chức diệt chuột bằng 2 biện pháp chính là biện pháp sinh học và hóa học. Trong đó, công tác diệt chuột bằng biện pháp thủ công và sinh học được duy trì trong cả vụ. Đối với biện pháp hóa học áp dụng trên diện tích cây rau màu vụ xuân tập trung đặt mồi bả chuột từ gieo trồng đến tháng 4/2025; trên lúa xuân đặt bả khi đổ ải đợt 1.
Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện nhận và mua thuốc, mồi, vật tư từ thành phố và cấp phát đến các xã, thị trấn. Trong đó, thuốc Hicate 0.25WP là 224,5kg; mồi 6.735kg; 46,5kg túi nilon; 35 hộp khẩu trang; 354 đôi găng tay. Tổng kinh phí dành cho đợt diệt chuột vụ xuân là 129,7 triệu đồng.
Theo kết quả ghi nhận được, tỷ lệ mồi ngoài đồng bị chuột ăn khoảng 85-90%; Tỷ lệ hang kiểm tra có chuột 30-35%; Ước tính số chuột bị diệt là 68.768 con. Diện tích cây trồng bị hại vào ngưỡng sau khi rải bả 0,8ha. Trong quá trình diệt chuột, không có con gia súc, gia cầm nào bị chết. Số người ngộ độc không. Đa số các xã trên địa bàn như Yên Sở, Vân Côn, An Thượng, Đông La, La Phù… đều tiến hành điều tra lối đi của chuột trước khi rải bả, cho bả vào túi nilon nhỏ (một đầu hở) để tránh rửa tôi thuốc khi gặp trời mưa, rải bả vào buổi chiều tối. Thực hiện thu gom xác chuột chết đảm bảo vệ sinh môi trường.
Các xã áp dụng các biện pháp hiệu quả đảm bảo vụ xuân sinh trưởng, phát triển tốt
Với những kết quả trên đã giúp diện tích, tỷ lệ cây trồng trên địa bàn huyện bị chuột hại giảm rõ rệt. Để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại do chuột gây ra đối với cây trồng, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện diệt chuột đúng thời điểm. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn cho người dân về các biện pháp phòng trừ chuột, diệt chuột hiệu quả, bảo vệ diện tích cây trồng trong những mùa vụ tiếp theo.